Tận dụng tốt những ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu gạo sang EU tăng rất mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu.
Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường EU, mang lại kết quả tích cực cả về doanh thu và thị phần.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022.
Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt 6,1 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kim ngạch đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Trong khi đó thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt gần 133.000 tấn; trong đó, khối EU đạt 109.000 tấn, tăng 15,4% tương đương 14.500 tấn so với năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD.
Việt Nam đã được xuất khẩu gạo tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối EU. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, chiếm 14,2% thị phần…
Bộ Công Thương đánh giá, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU, nhờ việc đã ký kết EVFTA.
Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời, năm 2023, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang EU 20.263 tấn gạo, đạt giá trị trên 12 triệu USD. Hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu sang châu Âu đạt gần 2.700 tấn gạo, trị giá gần 2 triệu USD.
Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Mở rộng danh mục xuất khẩu gạo thơm vào EU
Trong khuôn khổ thực thi EVFTA đang triển khai, hiện nay có 9 giống gạo thơm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Danh mục này được xây dựng từ trước 2015 (khi kết thúc đàm phán EVFTA).
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện hiệp định, Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay. Việc đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục gạo thơm đang được Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) làm việc với phía EU.
Mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người. Các chuyên gia nhận định, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 – 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Tuy nhiên, thị trường này có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội; gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Đáng chú ý, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn.
Cảnh báo tới các doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
“EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài” – ông Tạ Hoàng Linh lưu ý.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn gạo (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA.
Việt Nam đã được xuất khẩu gạo tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối Liên minh châu Âu. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, tăng 49,3% so với năm trước và chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, tăng tới 92% và chiếm 14,2% thị phần.
Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng từ 3 - 4 con số như: Hungary tăng 12 lần, Bulgaria tăng 730%, Hy Lạp tăng 483,3%, Bồ Đào Nha tăng 425%... Trong số các thị trường chính chỉ có Italy ghi nhận sự sụt giảm 78,5% xuống còn 6.876 tấn.
Như vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, chất lượng gạo của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.
Khẳng định chất lượng gạo của Việt Nam đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn rất cao. Nhưng, trong nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo.
Đáng chú ý, mới đây, gạo ST24 và ST25 – giống gạo 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU với thị phần chiếm 2,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
“Cho đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) thực sự là một câu chuyện thành công", Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 18/1/2024.
Ông Bernd Lange cho biết, sau 3 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng trưởng 20%. Các dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã được dỡ bỏ 71%, trong khi ở chiều ngược lại, 65% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam đã được dỡ bỏ. Một điểm đáng ghi nhận là trong quá trình thực thi Hiệp định, hai bên đã cùng nhau thực hiện các cam kết, nghĩa vụ.
Ông Bernd Lange nhận định các Hiệp định giữa EU và Việt Nam, trong đó có EVFTA, chính là "những hòn đá tảng, cột mốc quan trọng cho quan hệ giữa hai bên". Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, sự đối đầu, chủ nghĩa bảo hộ còn hiện hữu, đây là nền tảng rất tốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
Theo Thương vụ Việt nam Bỉ và EU, Hiệp định EVFTA bước vào năm thực hiện thứ 4, biểu B3 đã về 0%, biểu B5 đã thực hiện được một nửa, cơ hội thị trường của hàng Việt Nam là rất lớn. Rất nhiều nước khác đang ao ước có một hiệp định như EVFTA để tiếp cận thị trường EU. Do vậy, EVFTA sẽ tiếp tục là một trong những chìa khóa cho xuất khẩu Việt Nam vào EU.
Tuy nhiên, EU cũng đang tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0,01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Đây là những thách thức cho nông sản Việt Nam nói chung.