Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính
Chủ đề: thị trường chứng khoán hôm nay
- Đơn vị chủ trì: Học viện Tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Nguyễn Lê Cường
- Năm giao nhiệm vụ: 2022 Mã số: BTC/ĐT/2022-08
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Thị trường chứng khoán (TTCK) kênh huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Sau 23 năm chính thức hoạt động, TTCK Việt Nam đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng và có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới, số vốn huy động được thông qua đấu giá cổ phần là sự biểu hiện cho vai trò, hiệu quả của thị trường này đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua TTCK chưa đạt được hiệu quả mong muốn, còn khá nhiều rào cản cần tháo gỡ. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế có những biến động, tồn tại nhiều rủi ro ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động của TTCK, do đó để TTCK trở thành nguồn huy động vốn bền vững, đòi hỏi phải có những đánh giá về tính hiệu quả của việc huy động vốn trên TTCK trong giai đoạn qua, từ đó tạo cơ sở cho những khuyến nghị, giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững thị trường. Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Hiệu quả huy động vốn trên TTCK Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Đề tài nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn trên TTCK Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Hiệu quả huy động vốn trên TTCK.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu thực trạng hoạt động huy động vốn và hiệu quả huy động vốn của các doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện và phát triển TTCK Việt Nam thời gian qua, tập trung từ năm 2017 đến nay và đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn của doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
(1) Đề tài đã tổng hợp, hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về huy động vốn trên TTCK; xác lập quan điểm và hệ thống các tiêu chí đánh giá hiệu quả huy động vốn trên TTCK; chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn và hiệu quả huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp. Theo đó, hiệu quả huy động vốn trên TTCK được xem là việc phản ánh trình độ, khả năng đảm bảo thực hiện công tác huy động vốn có kết quả cao với chi phí nhỏ nhất, rủi ro thấp nhất và đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn cho hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của chủ thể sử dụng vốn. Hiệu quả huy động vốn được thể hiện ở khả năng đáp ứng cao nhất nhu cầu sử dụng vốn của chủ thể cần vốn nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đó chính là sự đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn với chi phí hợp lý cả về thời gian và kinh tế. Các nhân tố ảnh hưởng đến huy động huy động vốn và hiệu quả huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp, đó là: Sự phát triển vững mạnh, ổn định của nền kinh tế; nguồn nhân lực về chứng khoán để tham gia phục vụ hoạt động của TTCK; môi trường pháp lý; hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán; sự phát triển của TTCK; hoạt động của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; chiến lược huy động vốn.
(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia (Singapore, Hàn Quốc...) có TTCK phát triển hoặc tương đồng với Việt Nam và đúc rút một số kinh nghiệm và bài học về phát huy chức năng huy động vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn trên TTCK cho Việt Nam. Qua đó, TTCK Việt Nam có thể tham khảo: (i) Để nâng cao hiệu quả huy động vốn qua TTCK, nhất là huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua TTCK, quá trình rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả là rất cần thiết. Hệ thống pháp luật về quản lý, tổ chức thị trường, phát hành chứng khoán để huy động vốn trên thị trường cần hệ thống, chặt chẽ, hiệu lực; đồng thời phải linh hoạt, bám sát các diễn biến của thị trường; (ii) Tăng cường minh bạch thông tin về hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn của các chủ thể phát hành chứng khoán; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin trên TTCK nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các nhà đầu từ (NĐT), đưa các NĐT quay trở lại TTCK. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, tăng cường vai trò giám sát của các trái chủ thông qua người được ủy thác khế ước. Theo đó, các trái chủ có thể giám sát hoạt động của các tổ chức phát hành theo hệ thống và có thể bảo vệ lợi ích của họ tốt hơn; (iii) Đẩy mạnh công tác xếp hạng định mức tín nhiệm đối với trái phiếu, nhất là các trái phiếu không có tài sản bảo đảm, làm căn cứ để các nhà đầu tư (NĐT) đưa ra quyết định đầu tư vào trái phiếu; (iv) Tập trung gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tránh sự phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), phát triển cơ sở NĐT trái phiếu, thu hút các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường TPDN. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp BĐS hiện đang chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng dư nợ TPDN, dẫn đến hệ lụy là thị trường TPDN đang phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp BĐS, mà đây là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của chu kỳ kinh tế. Hơn nữa, các NĐT tham gia thị trường trái phiếu ở Việt Nam dù được xác định là các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp nhưng thực tế vẫn là những cá nhân chưa có nhiều hiểu biết về thị trường, chưa lường hết được những rủi ro khi đầu tư vào TPDN, đặc biệt là các TPDN phát hành riêng lẻ; (v) Cần có chính sách hiệu quả để thu hút và phát triển hệ thống các NĐT, trong đó, NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư cần được coi là trọng tâm trong quá trình phát triển NĐT. Những ưu đãi chính để phát triển NĐT chủ yếu thuộc về các chính sách tài chính (như chính sách về thuế, phí) phù hợp để khuyến khích và thu hút NĐT tham gia TTCK.
(3) Đề tài phân tích, đánh giá hoạt động của các chủ thể trên thị trường, tập trung phân tích thực trạng hiệu quả huy động vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam. Qua đó cho thấy, TTCK Việt Nam về cơ bản đã và đang phát huy khá tốt chức năng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; lượng vốn huy động qua TTCK đã đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư trung, dài hạn của doanh nghiệp. Quy mô huy động vốn qua TTCK (bao gồm cả thị trường TPCP, thị trường TPDN và thị trường cổ phiếu) ngày một tăng. Quy mô thị trường TPDN tăng liên tiếp qua các năm với tỷ lệ dư nợ TPDN so với GDP đạt gần 15% vào năm 2022. Huy động vốn qua TTCK đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết đều có sự xu hướng tăng qua mỗi năm, ROE trung bình của các công ty niêm yết được duy trì ổn định quanh mức 12%. Huy động vốn qua TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sử dụng vốn so với hình thức vay NHTM. Khuôn khổ pháp lý phục vụ hoạt động của TTCK, trong đó có hoạt động huy động vốn qua TTCK, các phương thức phát hành hành chứng khoán, các điều kiện, tiêu chuẩn cần được đảm bảo để thực hiện các đợt phát hành chứng khoán theo cả phương thức phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ đã được xác lập ở tầm mức khá tương đồng với các thị trường trong khu vực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, đề tài cũng chỉ ra một số hạn chế về hiệu quả huy động vốn trên TTCK Việt Nam như: Huy động vốn qua TTCK mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp, còn phụ thuộc lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng. Quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong cơ cấu huy động vốn qua TTCK, kênh phát hành trái phiếu vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 70%), đặc biệt, phát hành TPDN riêng lẻ chiếm hơn 90% tổng lượng vốn huy động qua thị trường TPDN. Thị trường vẫn thiếu vắng những đợt phát hành cổ phiếu lớn, những đợt IPO hướng đến huy động lượng vốn quy mô lớn của công ty cổ phần. Chi phí cho hoạt động phát hành cao, gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng vốn huy động từ các đợt phát hành chứng khoán, tác động không tốt đến hiệu quả huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK. Ngoài ra, rủi ro từ nhiều đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong thời gian qua đã làm xói mòn niềm tin của các NĐT đối với thị trường TPDN. Nguyên nhân của các hạn chế là do: (i) Tình hình kinh tế, địa chính trị bất ổn, phức tạp gây khó khăn cho TTCK; (ii) Phần lớn các NĐT tham gia thị trường là các NĐT nhỏ lẻ, năng lực tài chính và trình độ chuyên môn còn hạn chế, dẫn đến tâm lý hoảng loạn khi thị trường có những thông tin tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu tới thị trường; (iii) Thanh khoản thị trường trái phiếu nói chung, TPDN nói riêng, thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ hấp dẫn NĐT của các đợt phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn cho doanh nghiệp trên thị trường. Các công tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ hoạt động chưa thực sự hiệu quả; (iv) Các doanh nghiệp phát hành chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp lý về công bố thông tin, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các NĐT; (v) Khuôn khổ pháp lý nhằm huy động vốn hiệu quả trên TTCK đã có những bước hoàn thiện rất quan trọng, tuy nhiên còn những bất cập nhất định. Các quy định về phương thức phát hành, điều kiện, tiêu chuẩn phát hành, các yêu cầu về sự tham gia vào hoạt động phát hành của các chủ thể bắt buộc, nhất là với các đợt phát hành TPDN còn thiếu ổn định, gây ảnh hưởng đến công tác kế hoạch hóa hoạt động phát hành để huy động vốn của các tổ chức phát hành, nhất là các doanh nghiệp.
(3) Trên cơ sở đưa ra quan điểm, định hướng nâng cao hiệu quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 08 giải pháp chủ yếu và một số giải pháp bổ trợ nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam. Cụ thể là: (i) Thúc đẩy quá trình minh bạch hóa các quy định, quy trình và thủ tục phát hành chứng khoán; (ii) Hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức, quản lý TTCK, các quy định liên quan đến việc phát hành chứng khoán để huy động vốn; (iii) Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hàng hóa của thị trường; sử dụng phù hợp, tích cực các công cụ chứng khoán để nâng cao hiệu quả huy động vốn trên TTCK; tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế phục vụ quản lý và tổ chức hoạt động của thị trường, nhất là các quy định về quản trị công ty đại chúng, quy định về giám sát và công bố thông tin của công ty đại chúng và công ty niêm yết, các quy định về quản lý niêm yết; (iv) Phát triển mạnh các NĐT chuyên nghiệp, nhất là các tổ chức đầu tư chứng khoán; (v) Nâng cao năng lực, trình độ của các NĐT cá nhân. Trong đó, cần phát huy mạnh vai trò, trách nhiệm của các tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội NĐT, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở GDCK có thể thiết lập hoặc để xuất những cơ chế hỗ trợ về thông tin, tài liệu, tài chính… cho các khóa bồi dưỡng kiến thức NĐT do các Hiệp hội NĐT, các tổ chức kinh doanh chứng khoán tổ chức; (vi) Tăng cường đánh giá toàn diện các hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. (vii) Xây dựng chiến lược đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, những nhà quản trị doanh nghiệp có trình độ cao tham gia quản lý, điều hành công ty; (viii) Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực của các chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành chứng khoán, huy động vốn trên TTCK của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất một số giảm pháp hỗ trợ như: Tăng cường hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý và giám sát TTCK; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc TTCK, hoàn thiện cả về thể chế, cấu trúc và phương thức hoạt động của TTCK; xây dựng chiến lược phát triển, tiếp tục tăng cường tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phù hợp theo mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy hình thành các công cụ phái sinh đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu giao dịch trên thị trường.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 1814/QĐ-BTC ngày 23/8/2023 của Bộ Tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.